Nhà giáo dục nổi tiếng châu Á chia sẻ: 4 cách giúp trẻ tự tin

1. Đừng để trẻ học tập hay làm việc bằng cảm xúc tiêu cực

Nhiều trẻ có những trải nghiệm không tốt khi thực hiện công việc của mình. Chẳng hạn như trước khi đi thi thường bị cha mẹ tạo áp lực: “Con phải được điểm loại A đấy nhé!”, “Con không được thua bạn C nhé!”. Hay khi trẻ đã cố gắng làm việc nhà mà vẫn bị chê bai: “Quét nhà thôi cũng không sạch thì làm được gì”, “Nhìn con làm, cha/mẹ cảm thấy thật bực bội”,…

Cha mẹ cần nhớ rằng: Trước, trong và sau khi trẻ thực hiện công việc, không nên phán xét tiêu cực, hãy để trẻ có những trải nghiệm vui vẻ. Để tránh làm tổn thương, cha mẹ nên bao dung với con cái. Dù con làm việc gì cũng nên dành sự động viên chân thành, khẳng định sự nỗ lực của con. Như vậy, trẻ mới tự tin hoàn thành tốt phần việc của mình.

2. Trang bị kiến thức đủ để giúp con không nản chí

Hãy chuẩn bị cho trẻ tâm thế: Muốn làm được điều mình muốn sẽ không hề dễ dàng. Thay vì đợi đến lúc té đau, hãy giúp trẻ hiểu rằng có thể việc đó không thành công ngay lần đầu tiên, thất bại là điều bình thường. Tuy nhiên, vẫn sẽ có cách giúp trẻ hạn chế thất bại bằng việc đọc sách, tìm hiểu kiến thức trên Internet, đọc chỉ dẫn, xem phim ảnh,…

Chẳng hạn như hãy nói với trẻ rằng: “Muốn đạt điểm cao, ngoài kiến thức trong sách, con cần trang bị kiến thức mở rộng qua Internet”, “Muốn xếp lego thành công, con phải đọc kỹ và làm theo tờ hướng dẫn”,…

Tuy nhiên, cha mẹ nên cho trẻ tìm hiểu vừa phải để tránh bị “bội thực” trước khi thực hành. Vì sẽ dẫn đến trường hợp trẻ cảm thấy quá sức và không muốn tiếp tục thực hiện. Hãy cùng trẻ tìm hiểu và thực hành từng bước nhỏ để hoàn thiện việc mình muốn. Sau khi thành công, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hãnh diện, tự hào và tin tưởng vào bản thân.

3. Không ngắt lời trong quá trình trẻ thực hiện

Trong quá trình trẻ đang trình bày một vấn đề nào đó, có thể là bài tập hay quan điểm cá nhân, cha mẹ tuyệt đối không ngắt lời trẻ. Nếu cha mẹ có hành vi không tốt này sẽ khiến con mất tự tin, bối rối, lo sợ và có nguy cơ mắc lỗi.

Vì vậy, hãy tôn trọng con. Đừng bao giờ ngắt lời khi trẻ đang trình bày vấn đề vì bất cứ lý do gì. Bên cạnh đó, trong khi con chia sẻ, cha mẹ nên tập trung lắng nghe, trao cho con ánh mắt động viên, khích lệ. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy lời nói của mình có giá trị và trở nên tự tin hơn.

4. Hãy bình tĩnh khi trẻ hoang mang

Khi trẻ cảm thấy hoang mang, buồn chán thì việc tìm kiếm sự đồng cảm từ cha mẹ là điều dễ hiểu. Và cảm giác mà trẻ đang đối mặt là một phần tất yếu giúp trẻ trưởng thành. Thế nên, đừng vội tìm cách loại bỏ cảm giác lo lắng ấy mà hãy nhẹ nhàng trò chuyện và thấu hiểu tâm trạng trẻ.

Chẳng hạn, cha mẹ có thể dành cho con lời động viên: “Mẹ biết điều này rất khó…”, “Thất vọng là chuyện bình thường mà con” hay “Không phải lúc nào mọi điều cũng theo ý mình muốn”. Trẻ có thể khóc và ủ rũ cả ngày vì một vấp ngã nào đó. Nhưng nếu có người sẵn sàng thấu hiểu, trẻ sẽ có thêm động lực tiếp tục vui vẻ cho ngày hôm sau. Đó chính là chìa khóa tạo nên sự tự tin và tính kiên trì cho trẻ.

Cha mẹ cần nhớ rằng, mục tiêu của việc giúp con tự tin khi còn nhỏ chính là bước chuẩn bị cho trẻ có một cuộc sống độc lập khi lớn lên. Thành công hay không phụ thuộc vào việc cha mẹ đủ tỉnh táo để kiềm chế bản năng bảo vệ con và hiểu điều gì tốt cho trẻ. Có thể nói, tình yêu thương nuôi lớn trẻ. Nhưng sự tự tin sẽ chắp cánh cho cuộc đời trẻ. Ai có được cả hai điều đó sẽ có một cuộc đời trọn vẹn.

Ông Chu Hải Hoành – Phó Chủ tịch hội Tâm lý Âm nhạc quốc gia, Phó Chủ tịch Uỷ ban Âm nhạc và Vũ đạo của Ban chỉ đạo giảng dạy giáo dục đại học của Bộ Giáo dục


Tham gia bình luận: